Vui lòng để lại liên hệ

Vui lòng để lại liên hệ

Doanh nghiệp

Lo lắng nhiều doanh nghiệp hàng đầu thị trường bất động sản có nguy cơ phá sản

Trong số các doanh nghiệp BĐS niêm yết có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng; 4 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 tỷ đồng đến 7.397 tỷ đồng. Hàng tồn kho bất động sản sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế.

 
 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có bài tham luận đề nghị được phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sắp được tổ chức.

Theo đó, trong tham luận của mình ông Châu khẳng định hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 415.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp bất động sản. Trong số gần 9.000 doanh nghiệp lớn của thành phố, thì có đến hơn 30% là doanh nghiệp bất động sản. Tuy chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp bất động sản chiếm hơn 70% tổng số vốn đăng ký và đóng góp hơn 80% đối với khu vực kinh tế tư nhân của thành phố.

Mặc dù có vị thế quan trọng trong các thành phần kinh tế của thành phố, nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn ngày càng khắc nghiệt hơn. Tăng trưởng bình quân của lĩnh vực trong giai đoạn 2015-2019 chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP và hiện nay tỷ trọng đóng góp trong GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong 09 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố.

Trong 02 năm 2018-2019, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, giá nhà tăng, đông đảo người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó tạo lập nhà ở.

Năm 2019, chỉ có 04 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án; chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó, chỉ có 07 dự án được chấp thuận đầu tư mới; ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án so với năm 2018.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2019, hầu hết các doanh nghiệp đều có kết quả kinh doanh sụt giảm. Ngoại trừ Vingroup đạt doanh thu và lợi nhuận rất tốt, các doanh nghiệp còn lại chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu 07% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% của năm 2018. 

Ông Châu cũng khẳng định, điều đáng quan ngại là tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018. Trong đó, có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng; có 04 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 tỷ đồng đến 7.397 tỷ đồng; riêng 02 tập đoàn hàng đầu lại có lượng hàng tồn kho chiếm đến 63% tổng giá trị hàng tồn kho. 

Hiệp hội nhận thấy hàng tồn kho theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trong quá trình phân phối lưu thông sản phẩm là điều bình thường, thậm chí có thể là một lợi thế của doanh nghiệp. Nhưng, hàng tồn kho bất động sản sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, nếu hàng tồn kho đó là bán thành phẩm (như do vướng mắc về pháp lý nên dự án bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay…), hoặc là thành phẩm nhưng không bán được hoặc chưa bán được, không có tính thanh khoản, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.

Ông Châu cũng nhấn mạnh tại buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản ngày 22/02/2020, Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã nhận định: "Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Cùng với đó, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ. Những điều này, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách".

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong 02 năm qua, nay lại chịu thêm tác động của dịch cúm CoViD 19 nên tính chất khó khăn càng trầm trọng hơn. Nếu các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và địa phương giải quyết nhanh các vướng mắc về pháp lý và quy trình thủ tục hành chính, thì sẽ giúp cho thị trường bất động sản sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại, thu hút được thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho rất nhiều người lao động, sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế của đất nước và góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở. 

Thanh Ngà

 
<